Trang chủ > Đọc sách > Quan- niệm danh- dự của người Thái-Tây

Quan- niệm danh- dự của người Thái-Tây

Phạm Quỳnh (1919)
Danh dự luận

(Nguồn: Việt- Văn Độc- Bản Lớp Đệ- Nhị của Đàm- Xuân- Thiều và Trần- Trọng- San, in lần thứ năm- 1967- Bộ Giáo- Dục xuất- bản, in tại Nhà in Tấn- Phát, 224, đường Gia- Long, Saigon)

Nay lòng danh- dự hoàn toàn tuyệt- đối là riêng của những bậc chí- sĩ anh- hùng, nước nào cũng có mà không phải là sự thông thường. Ông Phò- mã Võ- Tính chết ở thành Bình- Định, Ông Tổng- đốc Hoàng- Diệu chết ở thành Hà- Nội, lấy danh- dự trọng hơn tính- mệnh, đều là những gương sáng trong lịch- sử nước Nam ta, đời đời còn chiếu rọi không phai. Nhưng cái danh- dự ấy là danh- dự đặc biệt phi- thường, không phải cái danh- dự phổ- thông trong xã- hội.

Trình- độ một xã- hội cao hay thấp là ở lòng danh- dự phổ- thông của quần- chúng, không phải ở cái danh- dự đặc- biệt của một số người liệt- sĩ. Trên kia đã nói lòng danh- dự phổ- thông trong xã- hội nước ta suy kém lắm. Nay xét lòng danh- dự ở các xã hội Âu- Tây thế nào. Không cần phải nghiên- cứu lịch- sử mà suy ngược lên từ đời Trung- cổ, đời Phong- kiến cho biết lòng danh- dự của các bậc võ- sĩ nước Pháp đời bấy giờ thế nào. Cũng không bàn đến lòng danh- dự của nhà quân Pháp trong cuộc chiến- tranh kinh thiên động địa vừa rồi, vì danh- dự ấy vẫn là cái danh- dự đặc- biệt như trên kia. Cứ xét ngay trong cuộc giao- tế thường của người Tây, cũng đủ biết lòng danh- dự phổ- thông trong các xã- hội Âu- Châu thế nào. Người Tây rất trọng danh- dự, lấy mất danh- dự là cái nhục không gì bằng. Phạm đến danh- dự kẻ khác là một trọng tội, hình- luật có định phạt. Coi danh- dự như thần thánh, bất khả xâm phạm. Gặp những trường- hợp quan trọng muốn cầu lấy lòng tin của người khác mà thề không sai lời, không nói dối, thời không có kêu Trời chỉ Phật chứng- minh, chỉ lấy hai chữ danh- dự làm đảm- bảo. Một lời đã hứa với nhau mà nói rằng: “Tôi lấy lòng danh- dự thề với ông…Tôi lấy danh- dự hứa với anh… (donner sa parole d’honneur, jurer sur l’honneur)”, thời lời ấy như sắt đá, dù sông cạn đá mòn cũng không dám sai.

Chữ “honneur” (danh dự) là chữ rất thông- dụng trong văn- tự ngôn- ngữ của người Tây: nói với người trên, quan trên thời nói: “Tôi được cái danh- dự trình… báo…kêu…v.v… quan lớn việc như sau này…”. Muốn tỏ lòng yêu- mến kính- trọng người ta thời nói: “Tôi được cái danh- dự tiếp ông…, tôi được cái danh- dự hầu ngài… v.v…”. Người đàn bà có trinh- tiết gọi là biết giữ danh- dự của mình; người đàn ông có tài- năng gọi là làm danh- dự cho nhà mình xứ mình, người buôn bán thật- thà cũng gọi là giữ được danh- dự của nhà buôn; người đánh bạc không đánh gian- dối, không xấu thói ăn non, cũng gọi là người không phạm đến danh- dự trong làng cờ bạc, v.v… Có nhiều việc pháp- luật không cấm, luân- lý cũng dung, mà lòng danh- dự không cho làm; có nhiều việc trái với lợi mình, người đời cũng chê, mà lòng danh- dự bắt phải làm. Như danh- dự bắt phải xử nhã với kẻ thù mình; danh- dự buộc không được sai lời di chúc của người chết, dẫu thiệt hại cho mình mặc lòng. Trong một đời, gặp tình- cảnh nào, trường- hợp nào cũng cầu gọi đến lòng danh- dự và cũng có dịp bày tỏ lòng danh- dự được. Ở nơi thượng- lưu xã- hội, “luật danh- dự” (code de l’honneur) lại nghiêm hơn pháp- luật của Nhà- nước. Người nào xử một việc bất- nhã, làm một điều phi danh- dự hay là bị cái nhục- mạ không rửa được sạch, thời bằng- bối coi là người mất giá, phải mang tiếng xấu một đời. Nhân đó có cái tục “quyết- đấu” (le duel). Hai người có việc bất- bình với nhau, tự lấy làm phạm đến danh- dự, mà việc thời hoặc trong pháp- luật không định, hoặc không muốn đem giải- quyết trước công- môn, bèn định ra quyết- đấu với nhau, hoặc đánh bằng gươm, hoặc đánh bằng súng, hai bên bịt mắt ra đối nhau, phó cho may rủi, người nào rủi bị thương là người ấy thua, người nào may đánh trúng là người ấy rửa được danh- dự của mình. Thường chỉ đến xây da chảy máu, hoặc bị thương nặng nhẹ mà thôi, nhưng cũng có khi đến chết người. Gọi là “danh- dự quyết- đấu” nghĩa là quyết- đấu để rửa sạch cho danh- dự; ý nghĩa vẫn là hay lắm, vì việc thuộc danh- dự (affaires d’honneur), chỉ có người bị nhục với người làm nhục biết với nhau mà thôi, không để cho xã- hội can- thiệp đến, không để cho xã- hội phán- đoán được, hai người phải tự quyết với nhau, nhưng tự quyết với nhau không thể lấy lý- luận mà phục nhau được, tất phải mượn đến võ- lực, cũng là tục di- truyền của tinh- thần thượng- võ đời trước.

Người nào rủi mà chết nữa cũng là tự cam làm hi- sinh cho danh- dự, đủ biết rằng trọng danh- dự hơn tính- mệnh. Nhưng tục quyết- đấu lưu tệ cũng nhiều, nên khiến nhiều người phản- đối, và pháp- luật cũng không thừa -nhận.

Lòng danh- dự mà đem đến quá- độ thời thành ra cái “danh- dự tịch” (le point d’honneur), lắm khi việc chẳng vào đâu, sự bất- bình nhỏ, cũng lấy làm quan- hệ đến danh- dự, đó là cái danh- dự biến- thái, không phải là danh- dự chính- thức vậy.

Coi đó thời biết người Âu-Tây có lòng danh- dự mạnh là dường nào. Trong cuộc giao- tế thường, lòng danh- dự còn cương cường như vậy, đến những khi lâm- biến gặp nạn hay những buổi nước nhà có việc, cái “đàn- lực của danh- dự” (le ressort de l’honneur) còn mạnh biết bao nhiêu: xem như cuộc chiến- tranh vừa rồi, mấy trăm vạn con người cũng một lòng công- phẫn ra đánh kẻ- thù chung, chẳng phải là vì lòng danh- dự muốn rửa nhục chung cho nước dư? Xét về phương- diện ấy, thời cái cuộc đại- chiến này cũng có thể gọi là một cuộc “danh- dự quyết- đấu” của hai phe lớn trong thế- giới cùng nhau tranh hơn tranh được vậy. Trong cuộc quyết- đấu ấy thời phần danh- dự hơn cả chắc thuộc nước Tỉ-Lợi-Thì (Belgique). Nước tuy nhỏ yếu, dám ra địch với cường- lân, vẫn biết không tài nào đương nổi, nhưng không nỡ phản- bội lời- ước, không nỡ để nhục quốc- thể, không nỡ bó tay ngồi yên cho thiên- hạ nghi lòng danh- dự của mình, nên mới tuốt gươm ra đánh, gây nên nông nỗi trứng chọi với đá và thành ra kết quả nước phá dân tan như ngày nay. Ái- ngại thay, mà vẻ- vang thay! Mới biết hai chữ Danh- dự là quí, và ở giữa thế- giới cạnh- tranh này giữ cho trọn được đạo danh- dự cũng cực khổ lắm, thật là khó chứ không phải dễ vậy.

Một trang Nam Phong tạp chí

thủ bút của Phạm Quỳnh

Chuyên mục:Đọc sách Thẻ:
  1. Nguyễn thị Nha Trang
    27/06/2011 lúc 23:17

    ” Truyện Kiều còn ,Tiếng ta còn .
    Tiếng ta còn , Nước ta còn ”

    Câu nói nổi tiếng của nhà Văn Hóa lớn Phạm Quỳnh mà biết bao thế hệ học sinh Việt Nam đã nhập tâm !
    Với 210 số báo , gồm 35.000 trang chữ , từ năm 1917 đến 1934 ! Nhà Văn Hóa Phạm Quỳnh cùng Nam Phong Tạp Chí , đã đi vào lịch sử của Văn Học Sử Việt Nam ! Đó là 1 chân lý không ai phủ nhận được !
    Học giả Vương Hồng Sển đánh giá ” Nam Phong Tạp Chí Quý Hơn Vàng ” và Cụ tự mắng mình ” là kẻ NGU hạng nhất , không biết giữ sách báo quý giá ” vì trong lúc gia cảnh túng bấn Cụ đã bán toàn bộ Nam Phong Tạp Chí với giá 30 lạng vàng ( 30 ) , Cụ ân hận ray rứt đến cuối đời !
    Phay Van , em thật là cừ ! đưa 1 bài viết cách đây gần 100 năm , lại còn tỉ mỉ thể hiện rõ nét , cái đặc trưng hình thức viết chữ của thế hệ người xưa – có gạch nối của các từ kép – điều đó đã cho thấy rõ cái ý thức và tình cảm trân trọng của Em đối với những gì thuộc về văn hóa !
    Chị thật lòng biểu lộ sự quý trọng phẩm chất này ở Em !

  2. Nguyễn thị Nha Trang
    28/06/2011 lúc 00:03

    ” …Trình-độ một xã-hội cao hay thấp là ở lòng danh-dự phổ-thông của quần-chúng , không phải ở cái danh-dự đặc-biệt của một số người liệt-sĩ…”

    Xã hội nào , chế độ nào và thời nào , cũng có những người luôn tôn trọng danh dự , và những hạng người vô liêm sỉ ! Thử nhìn lại thực tế và thực trạng xã hội Việt Nam ta hiện nay, thì thấy tỉ lệ hạng người vô liêm sỉ lấn át mạnh , nếu không muốn nói là nhan nhản khắp nơi , hạng người này đã phá nát và làm gãy đổ mọi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc !
    Hệ quả tất yếu của 1 nền giáo dục văn hóa đạo đức xhcn vừa chuyên vừa hồng ?
    – Chính xác 100% .

    • hth
      28/06/2011 lúc 10:31

      Chị NT. rất đồng ý với nhận xét này của chị.

    • hth
      28/06/2011 lúc 10:40

      Mình hồi bé cũng được học như vậy, thấy nó cứ chuội đi, không vào đầu. GIá như cứ dạy như ngày xưa, yêu và kính trọng từ gia đình, người thân, hàng xóm xung quanh . . . thì có lẽ ổn hơn, PV nhỉ!

      • hth
        28/06/2011 lúc 13:12

        Nói riêng về giáo dục thôi, mình thấy phí nhiều thứ quá: Tiền bạc, thời gian, tri thức, nhân cách của học sinh và cả những người dạy chúng nữa. Qua 12 năm phổ thông còn đọng lại trong đầu học sinh được những gì? Qua mấy năm đại học nữa, ra trường họ làm việc ra sao, ai cũng thấy rõ cả rồi. Ông bố mình năm nay 85 tuổi rồi, nhưng vẫn nghe nói tiếng Pháp làu làu mặc dù qua mấy chục năm không sử dụng, vẫn giải những bài toán khó đến mình cũng bó tay. Nền giáo dục của Việt nam bao giờ mới sánh được nền giờ mới sánh được với nền giáo dục ” thuộc địa ” như thế?! Các giáo viên đã dạy mình môn văn, phần nhiều không hiểu ngay nhưng tác phẩm họ dạy học sinh, vậy làm sao học sinh có thể tiếp thu được, ngay cả những tác phẩm không phù hợp PV đã nêu ở trên?!

      • hth
        29/06/2011 lúc 10:22

        @PV, “bác” hth tự nhiên nhớ chuyện tiếu lâm về “làng văn hóa” thế này: Cấp trên về làng nọ trao danh hiệu “làng văn hóa”, đang tìm đường đến UB, thấy thằng cu con nghênh ngáo giữa đường, cấp trên hỏi nó nói tôi đ… chỉ! Cấp trên mắng chủ tịch làng: dân làng mày hỗn bỏ mẹ, văng tục cả với tao. CT làng bức xúc: đ…mẹ, dân làng này củ….lắm, tôi nhắc mãi chúng nó đ… thèm để vào đầu. Sau đó là nhậu và biển “văn hóa” treo nơi rõ trang trọng, hi hi hi . . .
        ——-
        Xin lỗi PV nếu chuyện không hợp với tính cách của PV. Chỉ là minh họa cho tính hình thức, lãng phí xưa nay thôi mà.

    • 29/06/2011 lúc 22:38

      Phay van@ : Anh thì được học Kiều từ ngày còn bé tí. Nghe kể lại là lúc còn nằm trong nôi thì được bà nội ru ngủ bằng cách đọc ( lảy ) Kiều,…
      Theo anh thì bất cứ tác phẩm nào cũng dạy được, ăn thua người dạy và dạy cái gì trong tác phẩm đó.

      • 30/06/2011 lúc 21:38

        Anh đã nói với cô rồi, quan trọng là ai dạy và dạy cái gì trong tác phẩm đó !

      • hth
        01/07/2011 lúc 12:31

        Bác Trà nói đúng PV à. Hồi trước trong khu hth ở có bà cụ ngoa ngoắt kinh người. Cụ này đã chửi ai thì đừng có cãi dù nửa câu, mà người khác nghe thì mê mẩn vì cụ chửi bằng thơ, vè hay lắm, vận cả Kiều để chửi mới siêu. Mình nhớ có mấy cô đẹp lắm, đi chơi lễ tìm nhà vệ sinh ( hồi đó Hà nội hiếm NVS lắm ) loanh quanh mãi lại quay ra vì bẩn. Bà cụ ngứa mắt xỉa ngay: bí bích thì cứ đi đi lại còn diệu vợi. Đẹp như nàng Kiều ngày xưa đi hội còn phải tạt vội vào bên đường nữa là… rồi bà chứng minh chuyện nàng Kiều “tạt bậy” : Sè sè nấm đất bên đường / Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Rồi bà giải thích: Sè sè là âm thanh, cỏ bị tưới nhiều Amoniac nên rầu rầu… hihihihi

  3. Nguyễn thị Nha Trang
    28/06/2011 lúc 12:27

    @ Phay Van : Không khéo chị em mình trở thành ….khách sáo mất ! hi hi …
    Thú thật , 1 thời gian dài sau 1975 , vì tất bật mưu sinh , Chị hầu như xa rời chữ nghĩa , sách vở …. chỉ mới tập tò vào mạng do con nó hướng dẫn gần đây , vì thế khi đọc các entry của Em đăng , rồi trò chuyện , trao đổi , cũng như chia sẻ thông tin , nhằm bổ khuyết và học hỏi lẫn nhau , đó là điều mà cá nhân Chị thấy thú vị , thích và đồng cảm với blog của Em ! Em biết chị thích blog của Em vì điểm nào không ?
    * Đó là tính cách : ” hòa nhập nhưng không hòa tan ” bàng bạc trong từng entry cũng như từng comment của Em đó !

    À Phay Van , trong entry có 1 chi tiết mà ông Xã chị thấy hơi lợn cợn – Ổng đọc xong và nói với Chị ngay , nhưng cũng còn hơi láng máng – đó là :

    “…Ông Phò-mã Võ-Tính chết ở….”

    Ông Xã chị là cựu học sinh trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang hồi xưa đấy ! Ổng nói phải là : Vũ-Tính hoặc Võ -Tánh .
    Để không còn láng máng , sáng nay Ổng tra lại quyển : Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm ( Trung -Tâm Học-Liệu Bộ Giáo-Dục in năm 1968 ) , bài ” Văn-tế Phò-mã Chưởng hậu-quân Vũ-Tính và Lễ-bộ thượng-thư Ngô Tùng-Châu – của Đặng Đức-Siêu – ” Có lời dẫn nhập của Dương Quảng Hàm :

    ” Vũ-Tính ( Võ-Tánh ) là một bực danh- tướng của vua Gia-long lại lấy em gái ngài…..”

    Trưa nay khi về nhà , Ông Xã đưa Chị coi , và thấy đúng chi tiết này ! Em thử coi lại bài nguyên bản mà Em copy xem sao nha !

    Mến ,

  4. Nguyễn thị Nha Trang
    28/06/2011 lúc 12:52

    @ hth : Chào bạn ! Nha Trang chỉ ghi lại nhận xét của rất rất nhiều người thôi mờ !
    Cảm ơn sự đồng thuận của hth nha !
    Thân ái ,

  5. Nguyễn thị Nha Trang
    28/06/2011 lúc 15:51

    @ Phay van : Ừ , Thế hệ của Chị cũng như tất cả mọi thế hệ học sinh miền Nam trước 1975 , rất may mắn được hưởng thụ 1 nền Giáo Dục Tuyệt Vời , một nền Giáo Dục được đặt trên 1 nền tảng triết lý giáo dục : Nhân Bản , Dân Tộc và Khai Phóng !
    Không cần dẫn chứng , vì thực tế lịch sử và xã hội cũng đã chứng minh rất rõ : sự giáo dục hoàn thiện nhân cách , học vấn và văn hóa của học sinh miền Nam như thế nào rồi !

    Sau năm 1975 , csvn lộ rõ bản chất của 1 chế độ cs toàn trị ! nền giáo dục xhcn được đặt trên 1 nền tảng triết lý giáo dục : ” Giáo dục phục vụ chính trị , phục vụ đảng cs cầm quyền ” ! Triết lý giáo dục xhcn này của csvn , đã ứng dụng 1 cách máy móc triết lý giáo dục của Lx , do bộ trưởng giáo dục Lx Kaleniko đề xướng ! và nó đã được thể hiện 1 cách triệt để trong hiến pháp 18/12-1980 ( gồm 7 chương với 147 điều , trong đó chương III nói về văn hóa giáo dục ) , ta thử xem :

    * Điều 38 : Chủ nghĩa Mác- Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội việt nam , Nhà nước tuyên truyền , giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác- Lênin , đường lối chính sách của đảng cộng sản việt nam .
    * Điều 41 : Sự nghiệp giáo dục do nhà nước thống nhất quản lý , đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh , gia đình , cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên , thiếu niên , nhi đồng .
    * Điều 44 : Văn học nghệ thuật việt nam được xây dựng trên lập trường , quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và theo đường lối văn nghệ của đảng cộng sản việt nam .
    …………
    Đọc các điều trong bản hiến pháp trên , ta cảm thấy rùng mình , tất cả đều phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lê ! tất cả đều phải là phục vụ chính trị , phục vụ đảng cs cầm quyền ! Ai chệch là sẽ bị triệt tiêu ngay ! bảo sao cả xã hội nói chung và giáo dục nói riêng không bị nhồi sọ 1 cách máy móc !

    Còn nhớ sau 30/4-1975 , vài tháng đầu , gặp anh bộ đội nào , gặp người cán bộ nào …sao thấy ai cũng nói hay thật , lưu loát thật …..Nhưng , cuối cùng thì than ôi ! cs tài thật , họ đã tạo ra được những con người máy nói ra rả không chán ! Thật là tội nghiệp !

    • Doan Tran
      29/06/2011 lúc 01:58

      Chào chị Nha Trang,
      Cám ơn chị đã có lời nhận xét thiện cảm về comments của em . Cũng như chị, em cũng cố gắng hành xử theo như mình được dạy .
      Ông xã của chị có nhận xét rất tinh tế. Từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào, vì kỵ húy nhà Nguyễn nên Vũ đổi thành Võ, Tính thành Tánh, Cảnh thảnh Kiểng, Hoàng thành Huỳnh vv…. .Theo em nghĩ cụ Phạm là quan thì hiểu rõ điều này, có lẽ cụ thử phạm húy chăng? Cụ vốn chủ trương Quân Chủ Lập Hiến giảm vai trò của nhả vua trong việc điều hành quốc gia.
      Chúc chị và gia quyến luôn an mạnh .

      ĐT

  6. 28/06/2011 lúc 16:37

    Có một thực tế là ngày xưa người ta không hô hào cải cách giáo dục này nọ, nhưng học trò học đâu ra đấy, thầy dạy đâu ra đấy.
    Ông bà cụ thân sinh Mô viết chữ cực đẹp, nét chữ uyển chuyển mềm mại chứ không cứng đơ như chữ hiện nay và họ đều thông làu kinh sử, pháp ngữ…

  7. ha linh
    28/06/2011 lúc 20:23

    Hl thấy nền giáo dục nhà mình,c àng cải cách thì càng thụt lùi!

    • ha linh
      30/06/2011 lúc 07:12

      HL cũng được vinh dự là ” nạn nhân” của một chương trình cải cách đó chứ!
      nhưng dù sao cũng an ủi là hòi đó giáo dục đang trên đà trượt dốc thôi chứ chưa trượt không phanh như bây giờ, tội nghiệp các bé sinh sau đẻ muộn, càng muộn càng tội nghiệp!

  8. Doan Tran
    29/06/2011 lúc 01:23

    Chào Phay Van,
    Cám ơn PV đã dày công đưa trước tác của cụ Phạm Quỳnh lên web . Ngày xưa trong tủ sách gia dình cũng có mấy số Nam Phong Tạp Chí của cụ mà sau năm 1975 bị tiêu huyr theo những sách vở của người Thái Tây .
    Cụ Phạm viết:
    Có nhiều việc pháp- luật không cấm, luân- lý cũng dung, mà lòng danh- dự không cho làm; có nhiều việc trái với lợi mình, người đời cũng chê, mà lòng danh- dự bắt phải làm.
    Như danh- dự bắt phải xử nhã với kẻ thù mình; danh- dự buộc không được sai lời di chúc của người chết, dẫu thiệt hại cho mình mặc lòng.

    Xử nhã với kẻ thù : công chúc, sĩ quan mời đi”cải tạo” , người dân mời đi Kinh Tế Mói
    Không được sai lời di chúc : Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
    Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến.

    Lăng mộ ở Ba Đình, tượng và khu tưởng niệm ở khắp mọi nơi . Gần đây nhất là ngày 22.6.2011 ,Khởi công trùng tu khu tưởng niệm BH ở Cà Mau nằm trong quy hoạch tổng thể với diện tích 60.700m2, trong đó không gian tưởng niệm là 12.000m2. với tổng kinh phí 30 tỷ đồng .

    Quan- niệm danh- dự của người Thái-Tây xét ra thua xa quan niệm về danh dự của con người mới XHCN mà nhà thơ Đỗ Trung Quân có nhắc lời than của ai đó, rằng ” Mấy chục năm qua chúng ta ra sức xây dựng con người mới XHCN, và khủng khiếp thay chúng ta đã thành công”

    ĐT

  9. tran-long
    29/06/2011 lúc 08:54

    TỔ-QUỐC DANH-DỰ TRÁCH-NHIỆM

    • hth
      29/06/2011 lúc 10:04

      Sai nốt, PV!

    • ha linh
      30/06/2011 lúc 07:10

      không biết ai nghĩ ra cái khẩu hiệu vô ziên thế, rất là dốt nát và thiển cận!

  10. Nguyễn thị Nha Trang
    29/06/2011 lúc 13:18

    Chào Doan Tran ,
    Giả thiết và Tư duy kiến giải của Em về cách dùng từ phạm húy , để ” thử phạm húy ” của cụ Phạm , rất đáng suy ngẫm ! Ước gì có 1 luận văn , hay 1 luận án , hoặc 1 bài viết phân tích về giả thiết ” thử phạm húy ” này của cụ Phạm , để đọc nhỉ !
    Nói đến ” phạm húy ” vào thời Vua chúa phong kiến , Chị lại liên tưởng đến 1 đoạn trong tác phẩm ” Lều Chõng ” của Ngô Tất Tố :

    “…Đến lượt cụ Nghè Quỳnh Lâm :
    – Vậy thì cậu đỗ hay hỏng ?
    Vân Hạc tươi cười :
    – Bẩm cụ , con hỏng tuột , và bị cách cả thủ khoa .
    Ông Đồ tỏ vẻ ngạc nhiên :
    -Anh bị tội gì ?
    Vân Hạc vẫn tươi như hoa :
    – Thưa thầy , vì đoạn trả lời câu hỏi ” tri ngôn dưỡng khi “, con…đã dùng lầm bốn chữ….chẳng may câu đó bị quan Đối Độc trích ra , ngài liền tâu với Hoàng Thượng , xin giao đình nghị . Bởi vậy con mới bị bắt .
    Ông Đồ phàn nàn :
    – Đã vào thi Đình mà không biết những cái đó !…..”

    Đoạn trích trên , ngoài ý chính ” phạm húy ” trong việc thi cử thời phong kiến ! Chúng ta thử liên hệ đến việc học , việc dạy , việc tổ chức thi cử lỏng lẻo và bát nháo hiện nay ở VN ta , chắc cũng có lắm điều đáng suy ngẫm !

  11. Nguyễn thị Nha Trang
    29/06/2011 lúc 15:31

    @ Phay Van : “..như trường hợp cụ Phạm Quỳnh : mấy ai trong họ đã được đọc các trước tác của cụ ? Nhưng lại đua nhau bôi nhọ , vu cáo , hùa theo đám đông . ”

    Ừ , chị cũng nghĩ như em vậy ! với những người tâm huyết lưu giữ , mà còn bị chính quyền cs vô học thô bạo tịch thu tiêu hủy , thì thử hỏi có mấy ai trong số họ có mà đọc ! Mà cho dù có 1 số ít được đọc , thì họ cũng dùng thủ đoạn chính trị học ( polictical science ) – dựa trên cncs khoa học – , để bôi nhọ cụ , vu cáo cụ , kết tội cụ ! chứ nào dám dùng Triết học đích thực ( philosophy ) để đánh giá cụ !
    Chợt liên tưởng đến câu nói của triết gia Pascal , đại ý :

    ” con Người là một cây sậy , nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ ”

    Thấy họ , những cái loa Người Máy được điều khiển nói ra rả bài bản , thật tội nghiệp lắm ru !

  12. Nguyễn thị Nha Trang
    29/06/2011 lúc 15:35

    @ Phay Van : “…Hay ông thợ nhà in sắp chữ nhằm ? ”

    Cũng có thể lắm chứ , vì điều này hay xảy ra trong in ấn mà ?
    Nguyên bản của em có được in vào năm nào ? sách giáo khoa ? tài liệu gốc ? hay…..?
    Của Chị có trong tay là : Việt- Nam Thi- Văn Hợp- Tuyển của Dương- Quảng- Hàm ( do Bộ Giáo-Dục Giữ Bản-Quyền , Trung-Tâm Học-Liệu in lần thứ chín – 1968 .)

    Tuy nhiên , ta cũng đừng quan trọng hóa vấn đề này nha Phay Van ! Điều cốt lõi là ta nhận thức được vấn đề thôi ! vì bài học sơ đẳng với 1 người đọc nghiêm túc , lúc nào cũng hiển hiện mà : ” tận tín thư bất như vô thư ” !
    Vậy nha em .

    • 30/06/2011 lúc 07:25

      chị Nha Trang: có lẽ vậy chị à, em scan lại chia sẻ với chị đây:

  13. 29/06/2011 lúc 22:28

    Ơ hơ! Thế chả hóa ra cái Danh dự bây giờ vẫn chưa bằng cái Danh-dự của 1930 à. Sao mà phí phạm 80 năm trời!

  14. 29/06/2011 lúc 22:29

    Phay van@ : Cô biết cụ Phạm Quỳnh chết không nhắm mắt được vì lí do gì không ?

    • 30/06/2011 lúc 07:51

      bác Trà: em tìm được địa chỉ này, khi nào rảnh rỗi bác xem thử nhé.

      Trong số 269, tháng 10/2006 tạp chí có đăng bài của Nhật Hoa Khanh: Phạm Quỳnh và bản án tử hình đối với ông. Do yêu mến Phạm Quỳnh tác giả đã nhiều năm cố công tìm hiểu về cái chết bí ẩn của ông, đã gặp nhiều người, tìm tòi nhiều tư liệu và cuối cùng đã tìm được hai tờ báo khổ nhỏ phát hành hẹp tại Huế năm 1945. Đó là nhật báo Quyết Chiến khổ A3, mỗi số 2 trang, là “Cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân Cách mạng Huế”. Số 88, ra ngày thứ tư, 5/12/1945 có đăng bản tin: “Ba tên Việt Gian tối nguy hiểm Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân đã bị Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kết án tử hình và bị bắn ngay trong thời kỳ thiết quân luật. Tài sản và vật dụng của ba tên phản quốc ấy đều bị tịch thu và quốc hữu hóa.” Tin này rút ra từ “Thông báo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kính gửi Tòa án Quân sự tỉnh Thuận Hóa” (tức là Huế), sau đó đăng trên tuần báo Quyết Thắng, khổ A3, mỗi số bốn trang, là “cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung bộ.” Số 11, ra ngày 9/12/1945 đã đăng toàn văn thông báo trên. Cuối bản thông báo, chỉ ghi “Ủy ban Khởi nghĩ tỉnh Nguyễn Tri Phương”, mà không có ai đứng tên thay mặt ký cả.

      Lệ thường, khi cần xử tử một kẻ gây tội ác lớn, người ta thường thông báo càng rộng rãi, càng kịp thời, càng được nhiều người chú ý và vì thế tác dụng răn đe các kẻ xấu khác càng lớn. Hơn nữa, việc xử tử cũng thường tổ chức càng công khai, càng đông người tận mắt được thấy kẻ thủ ác phải bị trừng phạt, càng có tác dụng ngăn ngừa tội ác. Nhưng, trường hợp “xử tử ba tên Việt gian tối nguy hiểm” này lại diễn ra khác hẳn. Trong số 267 tháng 9/2006, tạp chí Xưa và Nay đăng bài Người nặng lòng với nước của Phạm Tôn có đoạn: “Người canh gác xưởng (ép dầu tràm, nơi giam giữ Phạm Quỳnh cuối cùng-HKL chú) kể: Một đêm đầu tháng 8 ta, trăng lưỡi liềm, khoảng 11 giờ, có người xưng là cấp trên đến bảo đưa ba người bị giam ra cho ăn cơm (…) Sau đó, họ bị trói và đưa xuống đò (…) gần 1 giờ sáng thì táp vào bờ, đến gần hai bụi tre thì giết ba người”

      “Xử tử” vào 1 giờ đêm, ở một nơi hoang vắng, giữa đêm trăng mờ. Thật lạ lùng cho cách “xử tử” này. Quả là có một không hai trên đời!…

      Chắc hẳn là ba tháng sau khi thủ tiêu Phạm Quỳnh, người xưng là cấp trên có quyền sinh quyền sát trong tay ấy mới nghĩ ra được cách ra thông báo để hợp pháp hóa vụ giết hại mờ ám, lén lút và tàn bạo mình đã tự ý gây ra trong đêm trăng non nọ?…Để rồi suốt hơn 60 năm trời Cách mạng Việt Nam phải chịu tiếng đã giết oan một con người nặng lòng với nước với dân như Phạm Quỳnh.

      (nguồn)

      • 30/06/2011 lúc 09:15

        Lại ở Huế. Chắc dân ở đó nổi da gà trong 30 năm mỗi khi nghe tới chính quyền nhân dân cách mạng Huế.

  15. 29/06/2011 lúc 22:55

    “Trình- độ một xã- hội cao hay thấp là ở lòng danh- dự phổ- thông của quần- chúng, không phải ở cái danh- dự đặc- biệt của một số người liệt- sĩ”.
    Sao cụ viết đúng thế. Nhưng đọc câu này xong mà buồn cho quê ta. Vì đâu nên nỗi??????

  16. ha linh
    30/06/2011 lúc 07:09

    Nàng Phay, HL nghĩ ông Phạm Quỳnh viết chữ đẹp!

  17. tran-long
    30/06/2011 lúc 09:52

    Nhật Bản thượng tôn tinh thần nhu đao.Nam Hàn co’ tinh thần thái cực đạo.Nam Việt co’ tinh thần việt võ đạo ( vovinam) va` Danh dự được xây dựng trên căn bản võ học rất có giá trị về nhân cách , tự trọng. Bắc việt được xây dựng trên căn bản nhồi nhét lòng hận thù giai cấp…giết giết…giết…con` đãng còn mình…nạn nhân của sự hận thù không ai khác ngoài đồng bào ruột thịt…

  18. Nguyễn thị Nha Trang
    30/06/2011 lúc 11:36

    @ Phay Van : Chị nghĩ , 1 tư liệu rất giá trị theo chủ đề của entry này ! Em xem sao , và có thể lưu trữ ?

    Vào google : ” tuan’s blog : tư liệu về cái chết của Phạm Quỳnh ”

    Mến ,

    • 30/06/2011 lúc 15:08

      Chị Nha Trang: dạ em có xem qua, họ lấy nguồn từ blog Phạm Tôn chị ạ. Cảm ơn Chị.

  19. Nguyễn thị Nha Trang
    30/06/2011 lúc 12:35

    @ Phay Van : Gởi comment đi rồi , ngược lên trên đọc comments , thấy em trích dẫn để hồi đáp bạn trà hâm lại ! Vì Thế , Chị có thể gợi ý và đề nghị Em đưa bài ” tư liệu về cái chết của Phạm Quỳnh ” vào 1 comment của entry này , để làm phong phú thêm cho cái entry ” rất tuyệt vời ” này được chứ ? Tất nhiên , quyền quyết định là của Em , chị luôn tôn trọng !

    • 30/06/2011 lúc 21:45

      Cam ơn Nguyễn thị Nha Trang@ và Phay Van@ nhiều lắm. Về việc cụ Phạm bị giết bí mật thì có nhiều giả thiết , nhưng hình như nó không quan trọng bằng việc AI ĐÃ RA LỆNH GIẾT và sau này , có lẽ nơi chín suối cụ cũng không thể ngậm cười vì …. cụ là người đứng đầu bộ học mà không dạy được con mình nên người,… đó là điều còn đọng lại đến bây giờ về cụ Phạm.

      • 01/07/2011 lúc 12:14

        Sau khi nghe những gì PT nói, đọc những gì PT viết; em cũng kinh ngạc khi biết ông ta là con Cụ Phạm.
        Motivation & behaviour của người CS là những thứ quá khó đối với miếng đậu hũ nằm trong củ sọ của em 🙂

  20. Nguyễn thị Nha Trang
    30/06/2011 lúc 23:54

    Chào bạn trà hâm lại ,
    Câu hỏi của bạn cho Phay Van : ” Cô biết cụ Phạm Quỳnh chết không nhắm mắt được vì lý do gì không ? ” Ý câu hỏi của bạn thật là thâm thúy !
    Nha Trang mạn phép chia sẻ ý này , xem đúng không nha trà hâm lại :

    Cụ Phạm có 13 người con ! Cụ không nhắm mắt được có lẽ vì lý do này :

    * Trong khi người con trai út : Phạm Tuân , dồn hết tâm lực , tài lực để dựng lại sự nghiệp văn hóa của cha , là đưa 210 số báo Nam Phong Tạp Chí , với 35.000 trang chữ từ năm 1917 đến 1934 vào bộ DVD-Rom , với chi phí 40,000 USD , và cuối cùng đã thành công ! Bộ DVD-Rom Nam Phong Tạp Chí này , đã được tổ chức lễ ra mắt vào tháng 10/2009 tại Washington DC . Thực hiện được ước mơ của dòng họ Phạm !

    ” Nam Phong là Phạm Quỳnh , Phạm Quỳnh là Nam Phong ”

    * Ngược lại , người con trai thứ 9 của cụ : Nhạc sĩ Phạm Tuyên , lại ca ngợi lãnh tụ của cái đảng đã giết cha mình 1 cách oan khốc ! điển hình bằng bản nhạc ca tụng lãnh tụ :

    ” như có Bác trong ngày vui đại thắng ! ”

    Cha bị chết oan khiên với bản án : bồi bút , đại việt gian phản quốc !
    Con lại ôm chân Bác ngợi ca và ngợi ca 1 cách đắc lực , cho cái chế độ bức tử Cha mình !

    Than ôi ! thế thì cụ Phạm làm sao mà nhắm mắt được phải không , bạn trà hâm lại ?

    Thân ái ,

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: