Trang chủ > Khoa học > Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn

Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn

BS Đỗ Hồng Ngọc cho biết: “Chính là nhờ mẹ tôi luôn động viên khuyến khích – bà là người rất có ý chí – lại nhờ cậu tôi là nhà văn Nguyễn Ngu Í dẫn đến trường và nhất là nhờ những cuốn sách quý giá của ông Nguyễn Hiến Lê, đã ảnh hưởng lớn đến tôi như Kim chỉ nam của học sinh, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn… Tuổi thơ tôi gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là luôn có những tấm gương tốt quanh mình để tôi noi theo”.

Tình cờ tìm thấy những bài viết về học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyệt Mai xin được giới thiệu với các bạn.

Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn

Tháng 12 năm 2009 là lần giỗ thứ tư ngày ông mất (1912- 1984), ông Nguyễn Hiến Lê sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học trường Yên Phụ rồi trường Bưởi, tốt nghiệp Công chánh, khăn gói vào Nam ở lứa tuổi 22-23, và được bổ vào làm việc ở Sở thuỷ lợi Nam Việt, rồi sống tại miền Nam cho tới ngày mất để lại một sự nghiệp trước tác, biên khảo, dịch thuật đồ sộ với khoảng 120 tác phẩm có giá trị cho hậu thế.

Công việc ở Sở thuỷ lợi của ông lúc đó thực nhàn nhã: đo đạt mực nước sông để làm kế hoạch thuỷ lợi. Nhờ vậy trong nhiều năm, ông lênh đênh trên các sông rạch miền Nam từ Châu Đốc đến Long Xuyên, Rạch Giá, rồi từ Sóc Trăng, Sa Đéc đến Bạc Liêu, Cần Thơ… ông yêu mến và thuộc lòng cả những câu hò trên sông nước miền Nam và được sống những đêm trăng sáng vằng vặc của quê hương mà ông cho là còn đẹp hơn những đêm trăng mờ ảo ở Hàng Châu của các thi nhân đời Đường.

Gần đây, nhà xuất bản Long An đã cho in lại tập Gương Kiên nhẫn trong tủ sách Gương danh nhân của ông là một việc đáng mừng. Đọc Gương Kiên nhẫn, tôi thấy đời ông quả thực cũng là một tấm gương kiên nhẫn cho thanh niên. Thật vậy, có thể nói đời ông gồm trong hai chữ: Học và Viết. Ông học để viết và viết để học. Sống giản dị, nghiêm cẩn, ẩn dật, ông âm thầm làm việc trong suốt 40 năm cho đến ngày mất. Không bài bạc, rượu chè, không ham “nhảy đầm” như đa số thanh niên thời đó, ông gần như chỉ có một thú vui duy nhất: đọc sách và tự học thêm. Điều đáng quý là ông đem sở học ra để giúp đời với 120 tác phẩm trong mọi lãnh vực – đặc biệt trong lãnh vực giáo dục thanh niên – như chúng ta đã biết.

Hai môn tự học quan trọng của ông là Hán tự và Anh ngữ. Nhờ Hán tự và Anh ngữ, ông có chìa khoá để mở rộng cánh cửa kiến thức, tiếp xúc cả hai nền học thuật: Cổ học Trung Hoa và Khoa học kỹ thuật Tây phương. Thấm nhuần nho học, giữ được tinh thần nho học, lại có tinh thần khoa học, chuộng tính hiệu quả, năng suất như ông thì thật là hiếm. “Nho học” dễ thủ cựu mà “khoa học” dễ rơi vào thực dụng. Ông giữ được cái trung dung, làm được cái gạch nối giữa cựu học và tân học. Thế hệ trước ông bơ vơ và kêu lên “Cái học ngày nay đã lỡ rồi!” hoặc mai mỉa “Vứt bút lông đi vác bút chì!” (Tú Xương). Ông thì sử dụng được cả bút lông lẫn bút chì, mà còn mài sắc cả hai. Cổ văn Trung Quốc, Đại cương triết học Trung Quốc, Chiến quốc sách, Sử ký Tư Mã Thiên… đến Nhà giáo họ Khổng, Tô Đông Pha, Mạnh Tử… rồi Hiệu năng, Tổ chức công việc theo khoa học, Tự học để thành công, Kim chỉ nam của học sinh, Tương lai trong tay ta v.v… là những minh chứng.

Cách tự học của ông cũng lạ: Hán tự chỉ cần học để nhớ mặt chữ, không cần học đọc – vì không cần để nói mà chỉ để nghiên cứu. Ông nói học như vậy, 6 tháng đã đọc được Tam Quốc Chí nguyên bản không khó. Anh ngữ thì ông chủ trương “muốn hiểu rõ một ngoại ngữ thì phải dịch”. Dịch sao cho không thấy dấu vết dịch, dịch sao cho không thấy phản ý tác giả mà người đọc không ngờ là sách dịch là được!

Còn viết, ngay từ hồi còn lênh đênh trên sông nước miền Nam, ông viết hồi ký, nhựt ký để tự luyện văn. Đi đâu ông cũng ghi lại cảnh tình, phong tục tạp quán, từ đó, có Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích, Trên con đường thiên lý… Khi ông học một khoá hàm thụ ở Pháp về tổ chức học, ông thấy đa số người mình thường mơ mộng hơn thực tế, làm việc thường tuỳ hứng hơn là có kế hoạch, ông viết hàng loạt những cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, Tổ chức công việc làm ăn, Kim chỉ nam cho học sinh v.v… Ông chủ trương một tủ sách loại “Học làm người” như tủ sách La Bibliothèque de l’Honnête Homme của Bỉ, Culture Humaine của Pháp, Self-improvement của Anh Mỹ để giúp thanh niên tự rèn luyện, bổ sung cho cái học của nhà trường. Vì theo ông, nhà trường chỉ dạy cho ta cách học, còn mỗi người thì phải tự học suốt đời và học là để hành và hành là để học. Ông viết cũng là để tự học tốt hơn. Muốn viết thì phải đọc, phải nghiên cứu và nhờ đó hiểu sâu hơn. Ông làm việc đều đều mỗi ngày với một nghị lực phi thường, bền bỉ có giờ giấc nhứt định. Ngày đọc sách 5-6 giờ, viết 5-6 giờ. Cứ ngồi vào bàn viết đúng giờ, không cần đợi hứng. “Viết khoảng nửa trang thì hứng đến”. Nhờ vậy, mỗi năm trung bình ông viết 3 cuốn sách, trong 40 năm được 120 tác phẩm, có cuốn hàng ngàn trang, có cuốn hàng trăm trang. Ông viết tự nhiên, thành thực, bình dị, không cần hoa mỹ. Về danh nhân, ông chọn những nhà có tâm hồn cao đẹp, có công với nhân loại để giới thiệu cho thanh niên. Đặc biệt, ông yêu tiếng Việt: ngoài Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Tìm hiểu văn phạm, ông còn viết lúc về già Tôi tập viết tiếng Việt, Để tôi đọc lại, nhằm giúp các bạn trẻ tránh những sai lầm trong lúc viết.

Yêu tiếng mẹ thì yêu quê hương. Năm 1973, khi tôi gởi cho ông một bài thơ – Đi cho đỡ nhớ – viết về nỗi ước mơ được đi lại trên con tàu thống nhất Bắc Nam, ông trả lời: “Tôi cũng thèm đi quá. Mong cho mau tới ngày hoà bình để được đi thăm lại quê hương, để được uống nước dừa Tam Quan, ăn cam xã Đoài, nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm làng Vồng… Ông luôn nhớ đất Bắc: cảnh núi Tản hùng vĩ, cảnh ngã ba Bạch Hạc mênh mông vào mùa nước lớn, cảnh đồng ruộng văng vẳng tiếng sáo diều và thoang thoảng hương lúa, cảnh chợ quê lèo tèo mấy gian cột tre mái rạ với những quán chè tươi…

Dĩ nhiên, đó là quê hương trong trí nhớ. Năm 1979, ông được mời dự Hội nghị khoa học toàn quốc về vấn đề Giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt ở Hà Nội, nhưng lần đó ông bệnh không đi được, rồi không có dịp đi nữa.

Ông thường về Long Xuyên, quê hương thứ hai của ông, bùi ngùi nghe lại câu hò ngày xưa:
“… chèo vô Núi Sập lựa con cá khô sặt cho thiệt ngon,
lựa trái xoài cho thiệt giòn,
đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm,
em về em dọn một bữa cơm
để cho người quân tử
hò ơ… để cho người quân tử ăn còn nhớ quê …”
[1]

Với tấm lòng như vậy, dễ hiểu tại sao mặc dù ông có điều kiện để đi xa – vợ con ông ở Pháp từ nhiều năm – nhưng ông chọn ở quê nhà, chết ở quê nhà (ngày 22/12/1984), và được hoả thiêu tại Thủ Đức. Ông Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương kiên nhẫn, đáng quý.

Chú thích:

[1] Nguyên văn trong “Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê” như thế này:
“Chèo vô Núi Sập lựa con khô cá sặt cho thiệt ngon, lựa trái xoài cho thiệt dòn, đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm.
Em về em dọn một bữa cơm, để người quân tử, hò ơ… để người quân tử ăn còn nhớ quê…”

BS Đỗ Hồng Ngọc
(nguồn: trang nhà của BS Đỗ Hồng Ngọc)

***

MỘ CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ
NẰM LẶNG LẼ TẠI LẤP VÒ


Tôi chạy hơn 150 km bằng xe Honda đến Ðồng Tháp để tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi đi chỉ để thắp một nén nhang trước linh cữu con người đáng kính ấy. Ðọc sách, tôi biết mộ cụ nằm ở Lai Vung. Với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như cụ, tôi tin người dân ở đó sẽ chỉ cho tôi mộ cụ dễ dàng như trở bàn tay.

“Mộ Nguyễn Hiến Lê hả ? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ” – chị D. lắc đầu. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật. Tôi cứ nghĩ một học giả tài đức vẹn toàn như cụ thì ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ chị – người công tác trong lĩnh vực văn hóa.

Câu nói chân thật của chị D. không khiến tôi suy suyển. Tôi cẩn thận ghi tên cụ vào giấy rồi đưa chị đọc. Cuối cùng, chị trả lại mảnh giấy với nụ cười e lệ : “Chị không biết thật rồi. Ðể chị giới thiệu cho em một người khác nhé !”.

Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, người này nhún vai nói chắc nịch : “Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Em có lầm với ai không ?”. Tôi cố nở nụ cười méo xệch : “Anh không biết ông ấy thật à ?”. “Thật mà. Ông ấy là ai vậy em ?”. Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ.

Nhìn chiếc máy tính nối mạng của anh, tôi dè dặt hỏi nhờ tra cứu thông tin về cụ. Google sổ ra cả một núi thông tin về cụ, nhưng chi tiết về mộ cụ hiện ở đâu thì không hề thấy. Anh đứng cạnh tôi nheo mắt đọc chăm chú. Cuối cùng anh a lên một tiếng: “Ông này cũng nổi tiếng dữ !”.

Câu nói của anh khiến tôi đau nhói. Ngồi xuống chiếc ghế đá lạnh lẽo chiều mưa, tôi tự hỏi mình còn cách nào để tìm ra mộ cụ. Tôi cảm tưởng mình đang phiêu lưu trong khu rừng rậm rạp để truy tìm kho báu.

Chợt nhớ cô giáo dạy văn cấp ba quê ở Lai Vung, tôi liền bấm số điện thoại của cô, hy vọng tìm được đôi chút thông tin. Nhưng cô giáo tôi không biết. Cô hứa sẽ gọi điện hỏi thăm bà con ở Lai Vung xem thử có ai biết mộ cụ ở đâu không.

Tôi lại không ngần ngại bấm số điện thoại của một nhà văn. Anh là người miền Tây, chắc sẽ có những thông tin hay. Kết quả là anh biết rất rõ về cụ, nhưng cái vụ mồ mả của cụ thì anh bí. Tôi lại lục trí nhớ để để tìm số điện thoại của một nhà báo. Sau khi nghe tôi hỏi, anh cười sặc sụa và mạch lạc trả lời là anh… không biết.

Không bó tay, tôi bèn bấm số 1080 và nghe giọng nhẹ nhàng của một nữ điện thoại viên. Tôi dám chắc là cô đã phải nhịn cười. Mất năm phút tra cứu thông tin, cô nói tổng đài chưa cập nhật thông tin này và mong khách hàng thông cảm.

Tôi thông cảm. Cụ Nguyễn Hiến Lê mất đến nay đã tròn 25 năm, không ai nghĩ đến chuyện nghiên cứu về cụ, một vị học giả dành cả đời đóng góp vào tàng thư dân tộc những tác phẩm giá trị nhất.

Mở đầu cuốn Ðông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê viết : “Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không ? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao”.

Thật không ngờ, điều cụ luôn canh cánh trong lòng, đến khi mất lại vận vào chính đời cụ.

Vỡ òa niềm vui

Tôi đứng ở Lai Vung và biết mộ cụ cũng chỉ nằm đâu đó quanh đây. Chợt nhớ đến người thầy đã dạy cho tôi biết về Nguyễn Hiến Lê, lòng tôi vỡ òa như đứa trẻ. Tôi cuống quýt gọi điện cho thầy. Thầy cười rồi gửi tin nhắn. Tin nhắn không dấu. Một người dân đoán nơi tôi cần đến là chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai Bường, Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò.

Người địa phương nhìn tôi dặn dò : “Từ Lai Vung, con đi thêm khoảng 10 km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết”.

Mưa bắt đầu nặng hạt quất vào mặt, vào mũi, vào áo; mưa ràn rạt nhưng tôi không cảm thấy rét buốt. Có điều gì đó cựa quậy trong lòng, vừa đê mê, vừa phấn khởi. Con đường trắng xóa trong màn mưa như những bông tuyết bay lững lờ trong không trung. Giọt mưa nào ngọt ngào rớt lên môi mắt tôi. Giọt mưa nào tắm mát tâm hồn tôi. Tôi phóng xe trên con đường thênh thang, lòng rộn ràng như đã đặt được bước chân vào chốn cần tìm.

Nơi an nghỉ của người nổi tiếng

Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át. Tôi phải hỏi tới người thứ tư mới biết chính xác đường vào chùa Phước Ân. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1 km đường đất nữa mới tới.

Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Gia quyến cụ Nguyễn Hiến Lê phải cực kỳ tinh tế và hiểu ý cụ mới đem cụ về an nghỉ chốn bình yên này.

Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm vừa thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Một bà cụ mặc áo nâu sòng, mái tóc hoa râm xuất hiện. Biết tôi muốn tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê, bà chậm rãi trả lời. “Trong chùa này chỉ có thầy trụ trì với bà biết ông ấy thôi”.

Bà dẫn tôi vào chánh điện. Sau lớp kính mờ ảo của khung ảnh, nụ cười cụ Nguyễn Hiến Lê vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần gian, đôi mắt như thăm thẳm một niềm an lạc. Di ảnh cụ được treo bên cạnh người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi cụ mất, bà xuất gia đi tu và mong muốn được an nghỉ tại chùa Phước Ân cùng chồng.

Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong khoảng 20 ngôi mộ khác. Ngôi mộ của một con người lỗi lạc nhỏ nhắn và giản dị đến nỗi bát nhang không một nén. Nhưng tôi biết, cụ rất ấm cúng khi nằm chung với toàn thể gia quyến trong một khu mộ.

Không hoành tráng lộng lẫy. Không bia đá trường cửu. Không khoa trương diễm lệ. Cụ nằm đó bên ngôi chùa trầm mặc nghe kinh kệ là một diễm phúc hiếm ai nghĩ tới. Có lẽ đây là lối đi mãn nguyện nhất đối với một tâm hồn vốn giản dị và thanh sạch.

Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có thân thích gì với cụ Lê không mà lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió. Tôi thưa thật, tôi chỉ là người đọc sách của cụ. Tôi tìm mộ cụ chỉ để thắp một nén nhang trước hương hồn cụ để tỏ lòng cảm phục.

Bà chưa đọc sách cụ nên hỏi tôi rằng cụ viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn có người nhắc đến. Bà nói nhỏ : “Con đã tìm được đến đây thì làm cách nào đó cho mọi người cùng biết nhé”.

Tôi cắm vào lư hương trên mộ cụ một nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay làm cay cay khóe mắt.

TRUNG THU
(Nguyệt san Pháp Luật tháng 12-2009)

***

Đôi nét về cụ Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông được biết đến như một nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục.

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, sau đó làm việc tại Nam Bộ. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Nguyễn Hiến Lê đã dành trọn phần đời còn lại của mình để miệt mài viết sách. Ông có khoảng 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn, dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…

Ông làm việc đều đặn 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày, gồm sáu tiếng đọc tài liệu và hơn sáu tiếng để viết. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt thời gian biểu này, ông đã hoàn thành một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhiều tác phẩm của ông trở thành cuốn sách gối đầu giường của thanh niên trẻ.

TH.C sưu tầm (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

***

Tìm hiểu thêm:

Hỏi: Thưa bác, cháu muốn hỏi bác một chuyện về Cụ Nguyễn Hiến Lê:
Theo cháu được biết thì cụ mất tháng 12 /1984 ( tại nhà ở hẻm 14 đường Kỳ Đồng, quận 3, gần chùa Minh Đạo… ), lúc cụ mất có mặt của bác….và được hỏa thiêu tại Thủ Đức.
Cháu lại đọc được bài “Đi tìm mộ cụ NHL” trên nguyệt san Giác Ngộ, nói rằng mộ cụ ở Đồng tháp, cùng với gia tộc. Vậy phải chăng đó chỉ là nơi lưu giữ hài cốt của cụ.
Cháu xin cám ơn bác.

Bacsinhaque- Bình Dương

Đáp: Muốn biết thêm về Nguyễn Hiến Lê, cháu tìm cuốn “Nguyễn Hiến Lê, con người & tác phẩm”, của nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2003.

Ô. NHL mất tháng 12/1984, tại BV An Bình, đưa về nhà riêng 12/3C Kỳ Đồng, Q3, TP HCM. Bác là người khám và chuyển ông vào BV. Trước đó ông không chịu đi. Khi thấy ông có dấu hiệu suy tim, phù phổi cấp (OAP) bác bàn với người nhà (Bà Liệp, vợ ông, và ông Lê Ngộ Châu- báo Bách Khoa) cùng thuyết phục ông đi BV. Lúc ông mất, bác có đến nhà viếng nhưng không đưa đám. Đám tang ông rất giản dị, chỉ một số người thân. Hỏa thiêu, đưa hài cốt về Long Xuyên, an táng trong một ngôi Tháp nhỏ, đặt trước nhà của ông bà (Nguyễn Hiến Lê & Nguyễn Thị Liệp), số 92 Tôn Đức Thắng. Lúc sinh thời, ông Lê theo Nho học, nhưng Bà Liệp xuất gia, nên chôn cất ông theo nghi lễ Phật giáo. Tháp của ông sau này được dời về Chùa Phước Ân, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Bác đã có lần đến viếng Tháp ông NHL tại chùa này.

BS Đỗ Hồng Ngọc

(nguồn: trang nhà của BS Đỗ Hồng Ngọc)

Chuyên mục:Khoa học Thẻ:
  1. Phạm Sơn
    03/07/2012 lúc 10:21

    “Mộ Nguyễn Hiến Lê hả ? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ” – chị D. lắc đầu. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật. Tôi cứ nghĩ một học giả tài đức vẹn toàn như cụ thì ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ chị – người công tác trong lĩnh vực văn hóa.

    Câu nói chân thật của chị D. không khiến tôi suy suyển. Tôi cẩn thận ghi tên cụ vào giấy rồi đưa chị đọc. Cuối cùng, chị trả lại mảnh giấy với nụ cười e lệ : “Chị không biết thật rồi. Ðể chị giới thiệu cho em một người khác nhé !”.

    Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, người này nhún vai nói chắc nịch : “Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Em có lầm với ai không ?”. Tôi cố nở nụ cười méo xệch : “Anh không biết ông ấy thật à ?”. “Thật mà. Ông ấy là ai vậy em ?”. Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ.

    Nhìn chiếc máy tính nối mạng của anh, tôi dè dặt hỏi nhờ tra cứu thông tin về cụ. Google sổ ra cả một núi thông tin về cụ, nhưng chi tiết về mộ cụ hiện ở đâu thì không hề thấy. Anh đứng cạnh tôi nheo mắt đọc chăm chú. Cuối cùng anh a lên một tiếng: “Ông này cũng nổi tiếng dữ !”.

    Câu nói của anh khiến tôi đau nhói…”

    Đọc đoạn trên mà tôi cũng…đau nhói như tác giả Trung Thu!
    Một học giả, một nhà văn hoá tên tuổi, có thể nói một cách chắc chắn rằng: ở miền Nam VN trước 1975 không một ai đã học đến bậc trung học mà không biết cái tên, mà khi nói đến ai ai cũng kính phục, kính trọng đầy ngưỡng mộ: Nguyễn Hiến Lê!

    Thế mà chỉ sau 1975, những người được “mệnh danh” là làm công tác “văn hoá”,thì kiến thức…lại: “Chị không biết thật rồi” , và…”Thật mà. Ông ấy là ai vậy em?”

    Ôi! Thế mới thấy cái “tài” trong nền giáo dục “ưu việt” của những người cs làm…”văn hoá”!!!!

    • 03/07/2012 lúc 15:24

      Bác Phạm Sơn: Những kẻ (mệnh danh) “làm công tác văn hoá” chẳng từng tham gia phong trào đốt sách ngay sau 30.04.75 đó sao bác? Tội nghiệp họ, vì họ có biết gì đâu.

  2. Phạm Sơn
    03/07/2012 lúc 10:39

    Phay Van: Những đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, có thể nói là rất có giá trị vì đó toàn là loại sách dạy HỌC LÀM NGƯỜI.

    Cô Phay Van, đọc trong blog của cô, tôi thấy cô sưu tầm ở mục SÁCH, những bài viết, những truyện, những cuốn sách…rất có ích và giá trị! Vì vậy, tôi xin mạn phép góp ý với cô, có thể nên chăng sưu tầm dần dần thêm vào blog của cô về sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, được chứ?

    • 03/07/2012 lúc 15:16

      Dạ, cảm ơn đề nghị thật hay của bác Phạm Sơn. Sách của cụ Nguyễn Hiến Lê ta có thể dễ dàng tìm trên internet mà không sợ bị chặn. Hay là mình để dành “chỗ” cho những sách khó tìm (như Tầng Đầu Địa Ngục, Quần Đảo Ngục Tù, Trại Súc Vật…) nhé bác.

  3. Ngô Tấn
    03/07/2012 lúc 15:27

    Cám ơn chị Nguyệt Mai.
    Entry đã cho người đọc biết được nhiều thông tin quý giá về một học giả tên tuổi đáng kính trọng!

  4. Nguyễn Tuấn Anh
    03/07/2012 lúc 22:04

    Thế hệ tụi em đúng là chỉ nghe tên chứ không biết nhiều về học giả Nguyễn Hiến Lê!
    Đọc các bài viết mà chị Ba giới thiệu ở entry này xong, tìm vào Wikipedia đọc thêm, thì thấy sức làm việc và những sáng tác đồ sộ của ông mà khâm phục.

    Từ nay, những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, sẽ là một trong những ưu tiên chọn lựa đọc của em…khi có thể!

  5. chinook
    04/07/2012 lúc 15:02

    Một nhà Văn hóa Vietnam, Lm Anthony Trần văn Kiệm mới qua đời tại Atlanta Georgia Hoa Kỳ ngày 16/06/2012.

    Ngài sanh tại Phát Diệm, Kim Sơn Ninh Bình.

    Một trong những người Việt đầu tiên du học tai Hoa kỳ(năm 1950), Ngài có BS Chemistry và Master Quantum Physics, Đại học New York ,là một trong những người Việt đầu tiên nghiên cứu về Hạch nhân.

    Thông thạo tiếng Việt, Hán,Nôm,Anh, Pháp,Đức, Hy lạp, Hebrew…

    Ngài dich cuốn Thánh kinh ra tiếng Việt dành cho ngưòi không Công giáo. Bản dịch rất lý thú, có thể đọc tại Dunglac.org.

    Ngài cũng là Tác giả cuốn Giúp đọc Hán Nôm, do Nôm Foundation phát hành tại Hoaky.

    Xin chia sẻ với cả nhà.

    R I P

    • 05/07/2012 lúc 12:43

      Dạ cảm ơn bác Chinook. Em tìm thấy một bài viết trên “nguoi-viet.com”, trong đó có những câu sau, viết về cha cố Anthony Trần văn Kiệm :

      “Thời kỳ chăm giáo xứ nghèo, cha tự rang một hộp tép mặn để ăn với rau luộc cả tuần.”
      và:
      “tôi không bao giờ quên hình ảnh cha cố ngồi bên phím đàn dương cầm, bấm từng nốt lững thững bản Panis Angelicus khi chiều xuống thật chậm ở Atlanta.”

      • chinook
        06/07/2012 lúc 23:10

        Cám ơn Chị Phay Van.

        Đọc bài báo chị dẫn, tôi nhớ đến kỷ niệm tôi được Ngài cho ăn canh nấu bằng đầu cá hồng.

        Tôi có phước được gặp Ngài mười mấy năm trước, tại Seadrift, một làng đánh cá nhỏ phía nam Houston, gần Corpus Christi.

        Kỳ đó, nhân một người bạn,cháu của Cha đi thăm Ngài, tôi xin đi theo .

        Ngài ở một mình, thanh đạm, tự nấu ăn lấy… dành cuộc đời mình để trước tác và làm… linh mục.

        Tuy lớn tuổi, nhưng Ngài rất minh mẫn, nói năng khúc chiết , đặc biệt tiếng Pháp và tiêng Anh rất “chuẩn”, một điều hiếm có ở thế hệ Ngài, khi ảnh hửong của tiếng Pháp rất nặng.(Xin đọc bài “The story of Hong Bang -Truyện thiêng Hồng Bàng ở Dunglac.org)

        Chuyến đi tạo một ấn tượng không thể xóa được , một khúc quanh trong cuộc đời toi

      • 07/07/2012 lúc 15:15

        Dạ, cảm ơn bác Chinook đã chia sẻ những kỷ niệm ấn tượng có được với cha cố. Có lẽ Ngài là nhà nghiên cứu chữ Nôm hiếm hoi còn sót lại ở thế kỷ này. Bây giờ thì chúng ta đã mất đi một nhà văn hoá.

      • Trần thị Bảo Vân
        06/07/2012 lúc 23:28

        Bảo Vân con kính chào bác Chinook ạ.
        Lâu quá Út con mới thấy bác ghé thăm trang nhà chị Năm!
        Bác khoẻ không ạ? Chân của bác nay đã bình phục hoàn toàn chưa ạ?
        Kính,

      • chinook
        07/07/2012 lúc 10:59

        Hi Bảo Vân.

        Cám ơn Bảo Vân, chân của tôi đã bình phục, tôi không còn phải tập “vật lý trị liệu” nữa. Tuy thế vì là “đồ giả” nên đi lại , vận động phải dè chừng , không thể mạnh bạo như “đồ thiệt” được.

        Tôi vẫn vào nhà Chị Phay Van hầu như mỗi ngày . Phần nhiều chỉ vào , dựa cột rồi đi ra nên Bảo Vân không thấy đó thôi.

        Năm nay, Bảo Vân nghỉ hè thế nào?

  6. Trần thị Bảo Vân
    04/07/2012 lúc 15:42

    Hồi còn ở nhà, Út may mắn được tiếp cận, làm quen văn phong và đọc được nhiều sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê đó chị Ba chị Năm. ( Cho nên hôm trước trò chuyện với chị Năm về chuyện dịch thuật, Út có nói Út rất thích văn phong dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê…đó, chị Năm còn nhớ không? hihi…)
    Vì, sát nhà Út có nhỏ bạn chơi rất thân học cùng lớp, gia đình nhỏ bạn thân ấy có những tủ và kệ sách.nhiều đến mê hồn luôn…trong đó sách của Nguyễn Hiến Lê luôn nằm ở vị trí trang trọng ở các tủ, kệ sách, và Út rất may mắn được Ba Má bạn ấy thương, tin tưởng nên có cho phép Út và nhỏ bạn thân được tự do đọc trong..rừng sách ấy đó! hihi..

    Riêng tủ sách nhà Út, thì Út nhớ có 1 cuốn rất quý ( với Út ), đó là: “Luyện Văn 1, xuất bản năm 1953”, mà ở trong Saigon này, Út cố tìm khắp các hiệu sách, mà…không nơi nào có?!

    • Trần thị Bảo Vân
      06/07/2012 lúc 22:47

      Chị Năm này thiệt…!
      Ba Má nhỏ bạn của Út rất quý trọng sách và nghiêm cẩn, hai bác ấy là nhà giáo đó chị, gia tài sách đồ sộ của nhà bạn ấy là từ đời ông bà nội của bạn ấy để lại…
      Và…

      – “…Út rất may mắn được Ba Má bạn ấy thương, tin tưởng…”…đó nghen, chị Năm! hihi…

  7. Võ Trung Tín
    04/07/2012 lúc 23:02

    Năm học lớp 12, ròm em có mượn thư viện trường 2 cuốn: “Đắc Nhân Tâm” và “Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng” ( sách photo) của ông, nhưng chỉ đọc mỗi cuốn có…một nửa!!!! hihihihihhihhihi…

    • Võ Trung Tín
      05/07/2012 lúc 14:50

      Phay Van :Tín về đọc tiếp nửa sau đi nhé.

      Chị Năm ơi.., thế thì để vui vui…Ròm em sẽ tìm đọc…”nửa sau”…đây nè…

      – “Quá nửa đời Ròm* đi tìm một nửa
      Một nửa nào thất lạc của Ròm* xưa
      Khi tìm được thì nửa Ròm* vụn vỡ
      Nên làm sao Ròm* ráp lại cho vừa! ”

      – Chú thích: Ròm* = Từ trong nguyên tác của thi sĩ Phạm Chu Sa là…”ANH” !

      • 05/07/2012 lúc 21:32

        Phạm Chu Sa là một người làm thơ cho Tuổi Ngọc trước đây đó Tín.

    • Võ trung Tín
      07/07/2012 lúc 12:50

      Phay Van :Phạm Chu Sa là một người làm thơ cho Tuổi Ngọc trước đây đó Tín.

      Chị Năm: Dạ, “nhờ” có kiến lửa hồi đó…Xiiiiiiiiiiiiiii…dài 5 cây số…hihihihihihi… và chị Năm…”khuyên bảo” nên tìm hiểu đọc thơ, học guitar…để “tán”…”ấy”…hihihihi.., nên ròm em cũng có rán sức “luyện công”…, cho nên cũng có biết ông thi sĩ này chút chút ạ…

      – “…Phạm Chu Sa có thơ đăng trên các báo văn nghệ Sài Gòn từ 1970, khi ông đang theo học Đại Học Vạn Hạnh, cùng lúc làm biên tập và là thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh, từ 1971 đến cuối năm 1973 thì bị bắt quân dịch , bị đẩy lên Tây Nguyên, đến đầu năm 1975 , ông đào ngũ trốn về Sài Gòn…”
      ( Nguồn: Luân Hoán )

    • Võ Trung Tín
      08/07/2012 lúc 21:52

      Phay Van :Tín giỏi đó.

      Thế…CÓ CHO NÓ…CHẾT không đó…bà chị! hihihihihi…

    • Võ Trung Tín
      09/07/2012 lúc 23:29

      Phay Van :Không Tín ơi, khen thật.

      THẬT…như cái..truyện này không, bà chị…

      NÓI THẬT

      Trước ngày cưới cô gái nói với người yêu:
      – Anh yêu, sau này lấy em, anh có đánh em không?
      – Không bao giờ!
      – Thật chứ anh?
      – Thật!
      – Anh không lừa dối em đấy chứ?
      – Đã bảo là anh nói thật rồi cơ mà! Cứ hỏi mãi, bực lên, anh lại cho mấy cái tát bây giờ!

  8. Võ Trung Tín
    05/07/2012 lúc 14:57

    Nhân vui vui thư giãn nói về “cái thú” đọc.. nửa cuốn sách, hihihihi… Có một bài viết này hay hay thú vị mà ròm em gặp đọc, vậy ròm em copy về đây chị Năm đọc cho…dzui..nghen…

    PHAN KHÔI, MỘT NỬA CUỐN SÁCH
    – Tác giả: Ts Nguyễn Hưng Quốc.

    Là một tên tuổi lớn, nhưng Phan Khôi (1887-1959) không phải là một nhà thơ lớn, không phải là một nhà văn lớn, không phải là một học giả lớn; ông cũng không phải là một nhà báo lớn. Viết phê bình văn học, chỉ tập trung vào những ngọn đỉnh cao nhất của từng thể loại, người ta có thể bỏ qua Phan Khôi, tuy nhiên, nếu viết lịch sử văn học, nhằm tái hiện diện mạo nền văn học Việt Nam hiện đại trong quá trình vận động của nó qua những thời kỳ, những biến thái, những trào lưu và những khuynh hướng khác nhau, người ta lại không thể không nhắc đến Phan Khôi, hơn nữa, không thể không nhắc đến ông một cách trọng vọng.

    Phan Khôi là người tò mò, hay hoài nghi, thích đặt lại vấn đề, thích gây gổ, thường băn khoăn tìm tòi cái mới. Cuộc đời cầm bút của Phan Khôi là một chuỗi thử nghiệm liên tục. Trước năm 1930, trong giới cầm bút Việt Nam, đặc biệt giới biên khảo, hiếm, nếu không nói là không có ai độc đáo bằng ông. Sau năm 1930, có lẽ chỉ có một người đi con đường giống ông: Trương Tửu.

    Cả Phan Khôi lẫn Trương Tửu đều thông minh, ưa lý sự, giỏi biện bác. Cả hai đều thích phiêu lưu: một người phiêu lưu vào cách nhận định, cách đánh giá từng sự việc cụ thể; một người phiêu lưu vào các phương pháp luận. Cả hai đều có cá tính mạnh: thích in dấu ấn cá nhân của mình lên từng trang viết. Và cả hai đều nhẹ dạ: một người bị mê hoặc bởi luận lý học; một người bị choáng váng bởi phân tâm học và rồi, biện chứng pháp.

    Dù sao, giữa hai người, tôi vẫn thích Phan Khôi hơn. Không hiểu sao, đọc Trương Tửu, tôi có cảm tưởng ông giống như một nhà chính trị: chưa chắc ông đã tin những gì ông viết. Phan Khôi thì như một nhà cách mạng: lúc nào cũng nhiệt tình, đầy tâm huyết, ngay cả khi bênh vực một luận điểm sai lầm. Trương Tửu có cái nhẹ dạ của một thiếu nữ đứng trước thời trang; Phan Khôi có cái nhẹ dạ của một tín đồ đối diện với thần quyền. Thiếu thành kính, Trương Tửu hay liều lĩnh: ông thường vấp phải cái tật lộng ngôn, đôi khi nói chỉ để cho đã miệng; Phan Khôi vẫn giữ ít nhiều cốt cách nhà nho: lý, có thể đi đến tận cùng, nhưng lời thì vẫn chừng mực. Phan Khôi có cái mà Trương Tửu, nếu có, chỉ có thật ít: sự chân thành. Cái mới, với Trương Tửu, chỉ là cái mới; với Phan Khôi, là chân lý.

    Mải mê theo đuổi chân lý, Phan Khôi quan tâm đến rất nhiều khía cạnh khác nhau: đề tài của ông, ngoài chuyện thơ văn, còn là chuyện chính trị, chuyện xã hội, chuyện triết học và ngôn ngữ học. Tự bản chất, ông là một nhà báo hơn là một nhà văn. Là một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng ông lại không quan tâm đến thời sự mà chỉ quan tâm đến cái lý đằng sau các biến động, các sự việc của thời sự. Văn chương báo chí của ông, bởi vậy, nặng tính chất lý luận hơn là tường thuật. Lý luận của ông, do gắn liền với thực tế, xuất phát từ thực tế, thường xuyên va chạm với các thành kiến, thiên kiến của xã hội, do đó, mang nhiều yếu tố luận chiến.

    Mỗi bài viết của Phan Khôi thường là một sự gây hấn. Đọc ông, người đọc buộc phải có một thái độ dứt khoát: hoặc theo hoặc chống. Độc giả của ông hoặc yêu ông hoặc ghét ông, chứ không thể dửng dưng trước ông. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các cuộc bút chiến giữa hai cuộc thế chiến đều dấy lên từ Phan Khôi hoặc nhắm vào Phan Khôi.

    Trải qua nhiều cuộc bút chiến như vậy, tự nhiên Phan Khôi trở thành một tay bút chiến chuyên nghiệp và lão luyện. Chúng ta có thể gọi Phan Khôi là một nhà bút chiến (polemicist), một danh hiệu, đến nay, có lẽ chỉ có một người nữa là có thể chia xẻ được với ông: Hải Triều. Cả hai đều xây dựng phần lớn sự nghiệp của mình bằng các cuộc bút chiến. Hải Triều có hai điều mà Phan Khôi không có: lòng sùng tín đối với một chủ nghĩa và lòng trung thành đối với một tổ chức chính trị. Nhưng Phan Khôi có hai điều mà Hải Triều không có: sự uyên bác và tài hoa. Những bài bút chiến của Phan Khôi là những tác phẩm văn chương, của Hải Triều, chỉ là những bài viết tuyên truyền.

    Bút chiến là để đánh đổ một lập luận cũ hơn là để chứng minh cho một luận điểm mới. Bút chiến thích hợp với tính cách của Phan Khôi: ưa lý luận và thường xuyên phản kháng. Nhờ hai tính cách ấy, Phan Khôi đã đi tiên phong trong rất nhiều lãnh vực khi Việt Nam đang cố gắng chuyển mình từ một xã hội trung đại sang hiện đại.

    Rất lâu trước khi Hoàng Đạo viết cuốn Mười điều tâm niệm làm cương lĩnh lý thuyết cho nhóm Tự Lực văn đoàn cũng như cho phong trào Âu hoá ào ạt vào đầu thập niên 1930, Phan Khôi đã đi đầu trong việc đả kích kịch liệt Nho giáo, đặc biệt Tống Nho, trong việc hô hào mọi người học tập tinh thần duy lý của Tây phương.

    Đi trước Nhất Linh trong cuốn Đoạn tuyệt và Khái Hưng trong cuốn Nửa chừng xuân, ngay từ năm 1931, Phan Khôi đã đả kích chế độ đại gia đình, nguyên nhân của những quan hệ thù nghịch hay hục hặc bất hoà giữa mẹ chồng và nàng dâu, đã quyết liệt chống lại việc cưỡng bức hôn nhân. (1)

    Sớm hơn bất cứ người nào khác, ngay từ năm 1929, Phan Khôi đã đặt ra vấn đề nam nữ bình quyền và vấn đề nữ quyền (feminism) trong văn học. (2)

    Phan Khôi đi tiên phong trong rất nhiều lãnh vực. Điều này khiến rất nhiều người yêu quý và khâm phục ông. Trong bộ Nhà văn hiện đại, trước năm 1945, Vũ Ngọc Phan cho “Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học.” (3) Ba mươi năm sau, Thanh Lãng cũng tiếp tục ca ngợi Phan Khôi một cách nồng nhiệt: “Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh tuý nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc chiết của Tây phương.” (4)

    Tuy nhiên, cái mới, cái lớn của Phan Khôi lại hiếm khi kết tinh vào trong tác phẩm. Tác phẩm của Phan Khôi thường chỉ là các bài báo, rải rác và tản mạn, nổi bật giữa cơ man các bài báo khác ở những cách nhìn và cách viết sắc sảo, độc đáo, nhưng, dù sao, chúng vẫn là những bài báo, gắn liền với những thời điểm, những biến cố cụ thể, nhất định. (5) Chúng khó mà đứng vững với thời gian. Bởi vậy, tuy Phan Khôi đi tiên phong nhưng ít khi ông cắm được lá cờ của mình trên vùng đất mình khai phá được.

    Ngay cả khi ông cắm được cờ, ông cũng không ở lại lâu với ngọn cờ ấy để khẳng định chủ quyền của mình trên vùng đất ấy. Ở Việt Nam, ông là người đầu tiên bàn đến luận lý học, tu từ học, là một trong vài người hiếm hoi có được một tư duy duy lý cao, ông lại không chịu đi sâu để có được một công trình hoàn chỉnh nào trong các lãnh vực này. Là người có nhiều suy nghĩ táo bạo và độc đáo về ngữ pháp tiếng Việt, vượt hẳn những người cùng thời, (6) ông lại không tập trung đủ để trở thành một nhà ngôn ngữ học cự phách, điều ông có thể làm được nếu ông quyết tâm. Ông được nhiều người khen là có khả năng cảm thụ thơ nhạy bén, “nói chuyện về thơ ý nhị và đậm đà”, (7) nhưng tập Chương Dân thi thoại của ông lại đầy tính chất ngẫu hứng, quá tản mạn, quá sơ sài, để với nó, ông có thể được xem là một nhà phê bình văn học.

    Nhưng không đâu rõ bằng trong lãnh vực thơ. Ai cũng biết và ai cũng thừa nhận là, với bài “Tình già” đăng trên báo Phụ nữ tân văn số 122 ra ngày 10.3.1932 tại Sài Gòn, Phan Khôi là người khởi xướng ra phong trào Thơ Mới, đánh dấu một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam: thời kỳ 1932-45. Không có bài “Tình già”, không ai biết được là diện mạo của nền thơ Việt Nam hiện đại sẽ ra sao. Chắc chắn nó sẽ khác rất nhiều. Có phần chắc là nó sẽ phát triển chậm hơn, nghèo nàn hơn. Tuy nhiên, có điều rất đáng ngạc nhiên là: khi phong trào Thơ Mới bộc phát mạnh mẽ với thật nhiều hương sắc, Phan Khôi lại không làm được bài thơ nào mang phong cách của Thơ Mới cả. Một số bài thơ ông sáng tác sau năm 1932, cũng hoạ hoằn thôi, đều khá cổ kính. Cho nên ở đây có một nghịch lý: người cắm ngọn cờ đầu cho Thơ Mới lại không phải là một nhà thơ mới.

    Sự nghiệp của Phan Khôi, bởi vậy, có cái gì cứ như dở dang. Ông là một khuôn mặt lớn, một phong cách lớn mà lại không có tác phẩm lớn tương xứng. Ông là thứ cây chỉ ra mỗi một đợt trái đầu mùa, rồi thôi. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, ông là người phát bóng cực giỏi nhưng bản thân ông thì lại ít khi ghi được bàn thắng. Đọc ông, có cảm giác như mới đọc một nửa cuốn sách. Tuyệt hay, nhưng chỉ có một nửa.

    Nửa kia, nằm ở cuộc đời của ông.

    • 05/07/2012 lúc 21:31

      Tín có đọc bài thơ “Tình Già” của cụ Phan Khôi chưa?

      • Võ trung Tín
        07/07/2012 lúc 12:37

        Chị Năm: Dạ, hồi còn học phổ thông ròm em có đọc biết, hiểu, nhưng không nhớ thuộc lòng hết bài thơ này, nay chị Năm nhắc, thôi thì mượn đất nhà chị Năm ,cho nó.. “tạm vắng tạm trú”..ở đây luôn cho gọn dzậy! hihihihihi…

        TÌNH GIÀ
        ( Phan Khôi )

        Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
        Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
        Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
        – Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
        Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
        Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
        Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
        – Hay! mới bạc làm sao chớ?
        Buông nhau làm sao cho nỡ!
        Thương được chừng nào hay chừng nấy,
        Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
        Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng.
        Mà tính việc thủy chung?
        Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
        Đôi cái đầu đều bạc.
        Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
        Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
        Con mắt còn có đuôi.

        (Phong Hóa, 24 janvier 1933)

      • 07/07/2012 lúc 15:03

        Cảm ơn Tín đã gõ lại bài thơ. Chị chỉ thuộc hai câu cuối:
        Liếc đưa nhau đi rồi,
        Con mắt còn có đuôi.

      • Võ Trung Tín
        07/07/2012 lúc 12:38

        À…chị Năm ơi, nhân nói về cụ Phan Khôi, ròm em nhơ nhớ lại một bài thơ rất ấn tượng và độc đáo, với thể thơ mà cụ Phan Khôi gọi là “Tam vĩ thanh”…mà ròm em có lần đọc (và thuộc lòng luôn) trong cuốn “Chương Dân thi thoại” của cụ, không thấy cụ đề tên tác giả, chỉ ghi Khuyết Danh (?).
        Vậy, Chị Năm hay các bác và các chị có từng biết…tên tác giả?

        “Tai nghe gà gáy tẻ tè te,
        Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
        Non một chồng cao von vót vót,
        Hoa năm sắc nở loé loè loe.
        Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa,
        Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè.
        Danh lợi mặc người ti tí tị,
        Ngủ trưa chửa dậy khoẻ khoè khoe.”
        ( Khuyết Danh )

      • Võ Trung Tín
        08/07/2012 lúc 21:44

        Chị Năm: Cám ơn chị Năm.
        Dạ, ròm em gõ lộn, đúng chính xác là thể thơ “Vĩ tam thanh” như chị gõ!
        Ròm em thường hay tìm vào trang tienve.org đọc, và có lượm được thông tin về bài thơ này đây…

        “Một thể thơ đặc biệt khác là vĩ tam thanh. Trong thể này, ba từ cuối cùng (ở mỗi câu thơ) có âm tương tự như nhau”. Bài thơ khéo léo sử dụng từ láy ba, đáp ứng điều kiện ấy được chuyên luận chọn minh hoạ mang nhan đề BUỔI SÁNG như sau:

        Tai nghe gà gáy tẻ tè te,
        Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
        Non một chồng cao von vót vót,
        Hoa năm sắc nở loé loè loe.
        Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa,
        Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè.
        Danh lợi mặc người ti tí tị,
        Ngủ trưa chửa dậy khoẻ khoè khoe.

        Chuyên luận các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam đề tên tác giả bài thơ BUỔI SÁNG là KHUYẾT DANH.
        Tuy nhiên, Phan Khôi lại ghi nhận trong Chương dân thi thoại (Nhà in Đắc Lập, Huế, 1936; NXB Đà Nẵng tái bản, 1996): – “Bài này có người nói là của quan Án sát Tôn Thất Mỹ”.

        Vậy Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ là ai?

        Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong văn giới nước ta, ai mà chả biết một tên tuổi lẫy lừng: Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ (1860–1913). Đó là nhà thơ hoàng tộc xứ Huế giàu cá tính, tài ba, dí dỏm và tột độ đa tình. Tiếc thay, do thiếu tư liệu, ngày nay sách báo ít đề cập về cuộc đời lẫn tác phẩm của thi nhân độc đáo này.”

        ( Nguồn: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid…)

  9. Võ Trung Tín
    08/07/2012 lúc 21:49

    Phay Van :Cảm ơn Tín đã gõ lại bài thơ. Chị chỉ thuộc hai câu cuối:Liếc đưa nhau đi rồi,Con mắt còn có đuôi.

    Thế chị Năm đã có bao giờ thấy một trường hợp nào…
    -“Liếc đưa nhau đi rồi,
    Con mắt còn có đuôi”….chưa, nếu có, kể ròm em nghe đi chị Năm? hihihihi…

    • Võ Trung Tín
      09/07/2012 lúc 23:21

      Chị Năm: “Em cũng từng thấy mà?”

      Ủa..! là sao chị Năm?!
      Đây là chuyện người…lớn và “Tình Già”…mà, ròm em chưa thấy đâu?
      Chị Năm…rắc rối…à nhen!?

      • 10/07/2012 lúc 12:15

        Tín: Cần gì “Tình Già” mới thấy?

    • Võ Trung Tín
      10/07/2012 lúc 22:21

      Phay Van :Tín: Cần gì “Tình Già” mới thấy?

      Dzậy là…nó đây, phải không bà chị…

      – “Mắt em có đuôi, liếc như dao cắt.
      Em liếc nhanh, anh ngã quỵ thình lình.
      Khi tỉnh dậy, trái tim còn đau nhói.
      Vết tương-tư, nhưng nhức chẳng chịu lành.
      Con mắt liếc, làm hồn anh rơi rụng.
      Một đêm trăng, đi lạc mãi không về.
      Cắc cớ gì, cứ tưởng nhớ người dưng,
      Đêm không ngủ, làm thơ tình ca tụng.
      Chẳng biết anh, có nằm trong đuôi mắt?
      Đeo theo em, tận cuối nẻo đi về.
      Hay là em, một nhát liếc…rồi thôi?
      Để anh mãi, ôm tim mình rướm máu.
      Hai con mắt, em liếc ngang, liếc dọc…
      Khuấy trong anh, thành gợn sóng ba đào .
      Để chập chờn, anh chết đuối đêm nao .
      Vẫn cứ tưởng, mình người hạnh phúc nhất!
      Mắt có đuôi, ôi…con mắt có đuôi..!

      ( Vĩnh Khanh )

    • Võ Trung Tín
      10/07/2012 lúc 22:26

      Phay Van :Tín: Anh chàng này “thật” quá há

      Dạ, vậy còn…Anh chàng dưới đây..có “thật” quá há…không chị Năm!? hihihihi…

      – Ngày 8/3 , một chàng sinh viên..ròm..chở bạn gái trên một chiếc xe đạp.
      Đang đi, bỗng nhiên chàng ròm thắng lại cái… ” K..é..é..é..é..t..” ngay trước một.. quán
      chè.. rồi quay ra sau hỏi:
      – Ăn không em?
      Nàng:
      – Ăn !
      Chàng:
      – Có thế chứ! Cái bộ thắng xe này..ròm anh.. mới thay hồi sáng đó..!
      Nói rồi, chàng ròm tiếp tục đạp xe đi…

      Hihihihihihihi…

  10. Tai
    23/11/2013 lúc 06:02

    Thưa các anh , các chị

    đọc bài viết về ông Nguyễn Hiến Lê , tôi có vài thắc mắc như sau . Tôi có vô nhà ông bà Nguyễn Hiến Lê , ở đường Kỳ Đồng , số mấy thì tôi quên rồi . Bà Nguyễn Hiến Lê qua Pháp sống với người con trai, tôi có gặp một lần , sau đó tôi mất liên lạc . Nhà ông Nguyễn Hiến Lê có phải đi vô con đường nhỏ , nhìn bên mặt có một cái Villa , trong vườn có trồng một cây rất to , người Bắc rất thích trồng cây nầy , tối nở hoa rất thơm , hoa màu xanh , có nhiều cánh.
    Có phải là ông Nguyễn Hiến Lê nầy không ?. Tại sao lại có người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Liệp ? .

    Cám ơn

    Tài

    • 23/11/2013 lúc 07:31

      Dạ đúng. Kính mời anh Tài đọc đoạn này:

      Nguyễn Hiến Lê hiệu là Lộc Đình, sinh ngày 20 tháng 11 âm lịch năm Tân Hợi nhằm ngày 8 tháng 01 năm 1912 (Giấy khai sinh ghi ngày 8/4/1912). Nguyên quán làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội ). Ông là một học giả, nhà nghiên cứu văn hoá kiệt xuất, xuất thân trong một gia đình nho học, thân phụ là Nguyễn Văn Bí, hiệu Đặc Như.

      Thuở nhỏ ông học ở trường tiểu học Yên Phụ – trường Bưởi (Trung học), Trường Cao Đẳng Công Chánh (Hà Nội ) – Năm 1934 tốt nghiệp được bổ làm việc tại các tỉnh miền tây Nam bộ.

      Sau cách mạng tháng 8/1945, ông từ bỏ đời sống công chức về Long Xuyên dạy học trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (collège de Long Xuyen).

      Năm 1952, ông lên Sài Gòn mở nhà xuất bản biên dịch sách, sáng tác và viết báo.

      Tính đến năm 1975, ông đã cho xuất bản hơn 100 tác phẩm về nhiều lĩnh vực như: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân du ký, dịch tiểu thuyết, sách học làm người…

      Từ năm 1975 cho đến lúc qua đời, ông còn trước tác được hơn 20 tác phẩm. Trong số đó có những cuốn như: “Lịch sử thế giới, Đông kinh nghĩa thục, Văn minh Arập, Sử Trung Quốc, Lịch sử văn minh Trung Quốc, nguồn gốc văn minh, Khảo luận về Ngữ pháp Việt Nam, gương danh nhân và kinh dịch”(in theo bản thảo chép tay của Nguyễn Hiến Lê mới xuất bản năm 1992 của nhà xuất bản Văn học Hà Nội, được đánh giá là một công trình khảo cứu có giá trị khoa học đặc sắc về văn hóa phương Đông.

      Vào năm 1967, chính quyền Sài Gòn đã trao tặng ông cùng Giản Chi: Giải nhất ngành biên khảo và giải tuyên dương sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật (1973). Đi kèm với danh hiệu cao quí đương thời là tấm ngân phiếu một triệu đồng (tương đương 25 cây vàng lúc đó). Học giả Nguyễn Hiến Lê đã công khai từ chối nhận giải với lý do “nên dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh” và bản thân tác giả cũng không dự giải.

      Năm 1980, ông về ẩn cư ở Long Xuyên. Ông lâm bênh và mất lúc 8 giờ 50 phút ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại bênh viện An Bình – chợ Lớn TP Hồ Chí Minh- hưởng thọ 72 tuổi. Hoả thiêu vào ngày 24 tháng 12 năm 1984 tại đài thiêu Thủ Đức.

      Di cốt Nguyễn Hiến Lê được đem về chôn cất trong khuôn viên nhà bà Nguyễn Thị Liệp (vợ thứ 2 quê ở Long Xuyên, còn bà cả tên Tuệ người miền Bắc).

      Năm 1999 Bà Liệp tạ thế và được an táng trong khuôn viên chùa Phước Ân, ở rạch Cai Bường (thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ). Di cốt của ông cũng được đem đặt trên phần mộ của bà.

      Hiện người con trai của ông là Nguyễn Nhật Đức và bà Tuệ (vợ cả) đang định cư tại Pháp.

      (nguồn)

  11. Tai
    23/11/2013 lúc 19:17

    Cám ơn Chị Phay Van

  1. No trackbacks yet.

Gửi phản hồi cho Võ Trung Tín Hủy trả lời